Biết cách lễ phép chào hỏi là nền tảng giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp trong tương lai. Đây là lý do khiến việc dạy trẻ kỹ năng chào hỏi quan trọng. Một lời chào lịch sự sẽ giúp trẻ tự tin làm quen và kết nối, đồng thời có được thiện cảm từ những người xung quanh.
Khi gặp người lớn tuổi, trẻ chào hỏi lễ phép sẽ dễ tạo thiện cảm tốt với mọi người xung quanh. Đồng thời, hành động này cũng giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ về sau.
Ba mẹ cùng cô tham khảo một số cách sau giúp trẻ hình ảnh cách chào hỏi lễ phép ba mẹ nhé:
1. Không nên thúc ép con chào hỏi
Không nên thúc ép con để tránh tình trạng gây áp lực quá lớn và có thể khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương. Việc thúc ép cũng sẽ tạo nên các cảm xúc tiêu cực ở trẻ, khiến trẻ cảm thấy khó khăn hơn trong việc chào hỏi người lớn. Về lâu dài, trẻ sẽ bắt đầu rụt rè, nhút nhát và trở nên thụ động trong giao tiếp hằng ngày. Ba mẹ cần hướng dẫn con một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn để con từ từ thích nghi và tự tin hơn trong giao tiếp với người khác.
2. Làm gương cho trẻ học theo
Trước khi đến trường, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ. Do đó, khi trẻ đã bắt đầu nhận thức được về thế giới xung quanh thì trẻ sẽ có xu hướng học hỏi và làm theo các hành động của bố mẹ. Ba mẹ có thể bắt đầu bằng cách vui vẻ chào hỏi các người thân trong gia đình và bạn bè để trẻ học hỏi theo. Ba mẹ có thể tạo ra các tình huống giả định liên quan đến sở thích của trẻ để tăng thêm hứng thú, giúp trẻ nắm bắt nhanh và hiểu vấn đề hơn.
3. Giải thích cho trẻ về tầm quan trọng của việc chào hỏi
Ở độ tuổi mầm non, ba mẹ nên dành thời gian để giải thích, nói cho trẻ hiểu rõ về tầm quan trọng của những lời chào hỏi. Bởi hầu hết trẻ em trong độ tuổi này đều chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của mọi việc mình đang làm. Vì thế, ba mẹ nên cố gắng dùng cách đơn giản nhất để nói cho con biết được rằng chào hỏi lễ phép là một chuyện nên làm, là một hành vi tốt, giúp mối quan hệ giữa người với người có sự gắn kết, kết nối với nhau.
4. Dạy trẻ bằng phương pháp vừa học vừa chơi
Phương pháp dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép bằng cách vừa học vừa chơi vẫn luôn hiệu quả bởi trẻ em vốn dĩ rất hay tò mò và thích vui chơi. Ba mẹ có thể cho bé tham gia vào các trò chơi nhập vai để bé có cơ hội được thực hành nhiều hơn về kỹ năng này. Ngoài ra, ba mẹ có thể kể cho bé nghe câu chuyện về những tấm gương cư xử lễ phép để tạo cảm hứng cho bé thực hiện kỹ năng này.
5. Dạy trẻ bằng cách bắt tay, kết hợp ánh mắt
Ngoài việc nói lời chào, ba mẹ có thể dạy trẻ chào hỏi bằng cách bắt tay kết hợp với ánh mắt. Ba mẹ có thể tận dụng trò chơi nhập vai để dạy cho trẻ cách bắt tay. Hành động này cũng nên được lặp lại thường xuyên để bé có thể ghi nhớ và chào hỏi bạn bằng cách bắt tay một cách tự tin. Hơn nữa, ba mẹ cũng nên khuyến khích trẻ giao tiếp bằng mắt để trẻ tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Ba mẹ có thể gợi ý cho bé tìm hiểu màu mắt của đối phương khi nói chuyện. Với cách làm thú vị này, trẻ sẽ đỡ cảm thấy căng thẳng mỗi khi nhìn vào mắt người khác trong lúc giao tiếp.
6. Đừng quên động viên, khen ngợi bé
Lời động viên và khen ngợi từ phía ba mẹ rất quan trọng trong quá trình dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép. Ba mẹ hãy phản hồi lại với trẻ ngay khi trẻ chào hỏi một người nào. Nếu trẻ vẫn còn ngại ngùng, lo lắng nên chưa nói được trọn vẹn câu chào thì hãy động viên trẻ và nói rằng chúng sẽ làm tốt hơn vào lần sau. Lời động viên lúc này sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt hơn và tiếp tục cố gắng cho lần sau thay vì cảm thấy chán nản. Còn khi trẻ đã làm tốt thì hãy nói với con rằng bạn đang cảm thấy rất tự hào vì con đang cư xử rất lễ phép.
7. Thực hành qua các tình huống giả định
Cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình có thể cùng trẻ đóng kịch để dạy trẻ học cách chào hỏi lễ phép. Cách này giúp trẻ có thể hình dung được các tình huống và bối cảnh cụ thể để bắt đầu lời chào. Từ đó, trẻ sẽ không phải lúng túng hay rụt rè khi gặp tình huống tương tự trong thực tế.
——————————————-
Hotline: 0982 712 882
Website: http://mamnonhoalinh.edu.vn/
Địa chỉ: Số 1 Nguyễn Đỗ Cung, (Khu K) Làng quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội